Nhà thờ 4 tiến sĩ họ Mai

18/12/2023 23 0
Bắc Ninh - Kinh Bắc là địa phương có truyền thống hiếu học, khoa bảng tiêu biểu của Việt Nam. Tính theo đơn vị hành chính hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 393 vị đỗ đại khoa. Các vị đại khoa đều ra làm quan, giữ những trọng trách trong triều đình, mang tài năng và đức độ cống hiến cho sự nghiệp kinh bang đất nước. Những cống hiến của các vị đã được lịch sử ghi nhận và hậu thế tôn vinh, phụng thờ, tiêu biểu là 4 vị Đại khoa họ Mai.

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai hiện nay thuộc thôn Cổng, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Di tích hiện tọa lạc vị trí giữa làng, mặt quay theo hướng Đông - Nam, phía trước là đường đi của làng, xung quanh giáp khu dân cư.

Di tích vốn được khởi dựng từ thời Lê (thế kỷ XVI). Năm 1941, do lụt lội gây đổ nát các công trình nên dòng họ đã mua lại một căn nhà gỗ trong xã để dựng lại Tiền đường, tôn tạo Hậu đường. Đến năm 1968, hầu hết các công trình bị hạ giải, chỉ còn duy nhất tòa Hậu đường. Năm 2002, dòng họ đã cùng nhau khôi phục lại tòa Tiền đường 3 gian. Năm 2005, tu bổ tòa Hậu đường. Năm 2020, Nhà thờ được xây dựng lại mới hoàn toàn trên nền đất cũ.

Hiện nay, di tích có các công trình kiến trúc gồm: Tiền đường 3 gian và Hậu đường 3 gian, tạo thành mặt bằng chữ Đinh, cổng đi, sân gạch…

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai nhìn từ phía trước

Nhà thờ là nơi tôn thờ tiên tổ họ Mai trong đó tiêu biểu là 4 vị đỗ đại khoa của dòng họ. Đó là các vị:

- Mai Bang (1482 - ?): Ngư­ời xã Đào Tai huyện Quế Dương (nay là thôn Cổng, xã Đào Viên). Mai Bang là anh của Mai Khuyến, cụ (tổ phụ) của Mai Trọng Hoà. Năm 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tên đứng thứ 5, khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực (khoa này lấy đỗ 47 người, trong đó 3 Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 9 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 35 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân). Ông làm quan đến chức Hàn lâm hiệu lý (có tài liệu ghi ông bị tử trận). Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thư lục” chép: Mai Bang xuất thân từ chỗ huấn luyện voi, là anh Mai Khuyến, ông nội Mai Trọng Hòa. Văn bia Văn miếu Bắc Ninh ghi: ông mất khi làm việc.

- Mai Khuyến: Ng­ười xã Đào Tai, huyện Quế Dư­ơng (nay là thôn Cổng, xã Đào Viên), là em Mai Bang, là cha Mai Công, cụ (tằng tổ) của Mai Trọng Hoà. Mai Khuyến xuất thân từ chân Nho sinh. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 19) khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh (khoa này lấy đỗ 32 người, trong đó 3 Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 7 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 22 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân). Ông đư­ợc cử đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ.

- Mai Công (1530 - ?): là con Mai Khuyến, ông nội Mai Trọng Hoà. Mai Công xuất thân Quan viên tử. Năm 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 9) khoa Quý Sửu niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1553) đời Mạc Phúc Nguyên (khoa này lấy đỗ 21 người, trong đó 3 Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 5 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 13 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân). Ông từng đư­ợc cử đi sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Thượng th­ư, t­ước An Th­ường hầu. Sách “Đại Việt Lịch triều Đăng khoa thực lục” chép: Mai Công làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, tước An Thường hầu. Gia phả họ Mai ghi ông làm quan đến chức Th­ượng thư­ Bộ Hình.


- Mai Trọng Hoà (1610 - ?): là cháu nội Mai Công, tằng tôn Mai Khuyến. Trước khi đi thi Mai Trọng Hòa đã làm quan Tri huyện. Năm 50 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tên đứng thứ nhất, khoa Kỷ Hợi niên hiệu Vĩnh Thọ 2 (1659) đời Lê Thần Tông (khoa này lấy đỗ 20 người, trong đó 3 Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 2 Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân). Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Gia phả ghi ông làm quan Hình pháp sứ Sơn Tây, sau đó làm đến chức Hiến sát sứ.

Bài trí thờ tự trong toà Hậu đường

Hiện nhà thờ còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật quý có niên đại thời Lê, thời Nguyễn như: 01 ngai thờ thời Lê; 01 bài vị thời Lê; 01 bia đá thời Lê; 01 hoành phi thời Nguyễn; 01 đôi câu đối thời Nguyễn; 06 bia đá thời Nguyễn cùng các đồ thờ tự có giá trị khác như: hương án, trường kiếm, bảng chúc văn, hộp bài vị…vv

Hệ thống bia đá lưu giữ tại nhà thờ

Di tích là nơi tôn thờ, tưởng niệm các vị đại khoa của dòng họ. Hàng năm tại Nhà thờ diễn ra các sự lệ như: giỗ tổ ngày 21/12 (Âm lịch); ngày 3/3 Tết Thanh minh; các ngày sóc vọng hàng tháng. Vào ngày này, con cháu trong họ lại tập trung dâng hương hoa lễ vật, cúng tế các vị thủy tổ của dòng họ cùng nhau ôn lại truyền kể cho nhau nghe gương sáng của tổ tiên nguyện đoàn kết phát huy truyền thống của dòng họ trong việc làm ăn học hành và xây dựng cuộc sống.

Bằng xếp hạng di tích năm 2023

Nhà thờ 4 Tiến sĩ họ Mai đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, Quyết định số 137/QĐ-CT ngày 29/01/2003.

                                                                         

                                                            Nguyễn Thị Hồng Ánh

                                         (TT Bảo tồn di tích và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh)

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu