Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo

20/12/2023 55 0
Bắc Ninh - Kinh Bắc là quê hương có truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi tiếng. Trải gần nghìn năm chế độ khoa cử phong kiến: Bắt đầu từ khoa thi Minh kinh bác học triều Lý năm Ất Mão ( 1075) đến khoa thi cuối cùng triều Nguyễn năm Kỷ Mùi (1919) nước ta có 188 khoa thi với 2971 vị đỗ đại khoa thì riêng tỉnh Bắc Ninh đỗ đạt gần 700 vị, chiếm 1/3 tổng các vị đại khoa trong cả nước. Theo địa giới hành chính hiện nay thì Bắc Ninh có khoảng gần 400 vị.

Trong chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam, nước ta duy nhất có 2 vị được phong là lưỡng quốc trạng nguyên đó là Mạc Đĩnh Chi – người Hải Dương và Nguyễn Đăng Đạo người thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, Huyện Tiên Du.

Họa hình chân dung Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.

Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Vì thế dân gian gọi ông là Trạng Bịu. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha của ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh. Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngọc Nhĩ, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đăng Đạo đã tỏ rõ là người thông minh, hiếu học, lại được cha và bác ruột Nguyễn Đăng Cảo trực tiếp dạy dỗ.

 

Nguyễn Đăng Đạo lúc mới được một tuổi đã được bác ruột là thám hoa Nguyễn Đăng Cảo rất yêu quý và được bế đi chơi, bác khoe với mọi người về Nguyễn Đăng Đạo rằng “ Triều đình ghét ta không cho đỗ trạng nguyên, nhưng còn thằng bé ngày sau không cho nó đỗ là không được đâu!”

Nguyễn Đăng Đạo khi lên ba tuổi được bác Nguyễn Đăng Cảo cho theo lên biên giới nhân một chuyến đi tiếp sứ nhà Thanh. Sứ Thanh thấy Nguyễn Đăng Đạo còn nhỏ tuổi rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rằng “ Bé như vậy mà đã vượt qua trăm núi nghìn sông lam chướng hiểm trở, vẫn nhanh nhẹn tháo vát, thật là kỳ đồng?”

Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo tại làng Bịu, xã Liên Bão, huyện Tiên Du,

tỉnh Bắc Ninh (ảnh sưu tầm)

Năm 16 tuổi Nguyễn Đăng Đạo thi đỗ tú tài. Năm 19 tuổi, ông đi thi Hương đỗ cử nhân, được vào học ở trường Quốc Tử Giám. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa 4 (1683). Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông vào làm ở tòa Đông Các, vì nổi tiếng thơ văn nên được bổ vào làm ở Hàn Lâm Viện. Những năm sau đó, Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên con đường quan lộ và làm đến chức Tham tụng (Tể tướng triều đình).

 Khi làm chức Tham tụng, Nguyễn Đăng Đạo sửa sang chính sự, luật lệ, hình phạt nghiêm minh, giải quyết các việc khiếu kiện tồn đọng, chính sách ruộng đất, thuế khóa, hộ tịch, giải quyết việc quan lại hà lạm tiền của nhân dân một cách triệt để. Tuy làm quan to trong triều, nhưng Nguyễn Đăng Đạo luôn giữ phong thái liêm khiết, giản dị, gần gũi với nhân dân, quan tâm đến đời sống dân chúng.

Từ tháng 1 năm Đinh Sửu 1697 đến tháng 4 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Đăng Đạo đi sứ nhà Thanh Trung Quốc, với trí thông minh và tài ngoại giao suất sắc của mình ông đã đòi lại cho nước ta 3 động và được nhà Thanh vô cùng cảm phục. Vua Thanh phong cho ông là Trạng nguyên của Bắc triều, ban mũ áo, võng lọng cho ông vinh quy về nước. Năm 1719 ông mất, được phong Lại bộ Thượng thư tước Thọ Quận công. Sau khi ông mất vua Lê Dụ Tông tặng ông 4 chữ đại tự Lưỡng quốc trạng nguyên và sắc phong cho ông làm thành hoàng làng Liên Bão.

Nhằm tồn và phát huy truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, thôn Hoài Thượng, Bắc Ninh. Dân làng đã lập để thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo. Hiện nay đền thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo thuộc (thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du) được khởi dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, là nhà ở cũ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo lúc thiếu thời và nơi ở của phu nhân khi ông làm quan nơi kinh đô. Sau này, dòng họ Nguyễn Đăng thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và các vị thủy tổ của dòng họ tại ngôi Đền này.

Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo là nơi phát huy truyền thống học hành, duy trì các thuần phong mỹ tục của họ Nguyễn Đăng. Hàng năm tại đền thờ Nguyễn Đăng Đạo diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: giỗ chung họ Nguyễn Đăng và cũng là ngày giỗ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo vào ngày 28 tháng 2.

                                                                                    Phòng quản lý di tích

 

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu