Đình Hồi Quan

Thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Phường Tương Giang, Thành phố Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh
hoaigiangdl@gmail.com

Dịch vụ

Mô tả

Đình Hồi Quan ở thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được khởi dựng từ lâu đời, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Đình có niên đại năm 1715 và là mộ ngôi đình có những mảng chạm khắc rất tinh tế. Đình Hồi Quan được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia, loại hình di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật ngày 21/01/1989. Qua thời gian di tích luôn là niềm tự hào của nhân dân địa phương và cả xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Các cụ cao niên trong làng cho biết, đình Hồi Quan là sản phẩm do 4 hiệp thợ nổi tiếng của đất Kinh Bắc cùng làm, mỗi hiệp thợ làm một góc đình, nhưng lắp lại tạo thành công trình nhưng với nét đồng bộ, hài hòa ăn nhập với không gian chung của di tích.Toàn bộ công trình nằm trên diện tích đất trên 1000 m2 gồm Đại đình, Tiền tế và sân vườn.

Tòa Tiền tế có kiến trúc hình vung “phương đình”. Toàn bộ tòa Tiền tế trông xa giống như một chiếc long đình. Hai bên xây tường lửng để 4 bề gió thổi, ánh trăng soi vào. Tại mỗi đầu bẩy, các xà nách được chạm khắc t linh, tứ quýcùng nhiều hòa tiết hoa văn.

Đại Đình có diện tích lớn với trên 300 m2. Mái đình như chiếc thuyền lớn úp xuống, xòe rộng ra 4 phía rồi chụm lại theo các đầu đao đắp hình chim phượng cao vút, nhẹ nhàng. Khung đình làm bằng gỗ lim với hệ thống cột, câu đầu lực lưỡng. Cấu trúc kiểu chồng giường, thượng tam, hạ tứ bốn góc con chồng, xà nách. Bốn vì giữa được lắp thêm các đầu dư ở 8 cột cái chạm lộng thành đầu rồng lớn và nhiều rồng  nhỏ bám vào râu hình ngọn lửa. Phần chạm khắc được trang trí trên các đầu bảy, con giường tập trung ở gian giữa, các con giường được chồng khít lên nhau, tạo thành các bức phù điêu chạm đề tài tứ linh, tứ quý, rồng ổ, tiên cưỡi rồng… các mảng chạm kiểu chạm thủng, chạm nổi, chạm kênh bong khá đặc sắc. Hệ thống cửa bức bàn mở gian giữa còn mặt trước đại đình để kiểu chấn song gỗ tạo sự thông thoáng cho công trình.

Phía trước đình là dải ao lớn được trồng hoa sen tạo nên không gian yên bình đặc trưng của một làng quê văn hiến vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đình Hồi Quan thờ đức thánh Tam Quang - danh tướng phò giúp Hai Bà Trưng. Theo thần tích tại đình cho biết Tam Quang là con bà Tạ Thị Duyên Nương, người trụ trì chùa Sùng Ân tự (Chùa Hồi Quan). Ngoài thờ đức thánh Tam Quang, đình Hồi Quan còn thờ một vị hậu thần là bà Nguyễn Thị Ngọc Thường, người con của quê hương đã có nhiều công đức cùng dân làng tu sửa đình. Thông qua nhân vật được thờ cho ta cứ liệu về lịch sử hình thành phát triển của địa phương.

Bên cạnh giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật kiến trúc của đình Hồi Quan còn có những tài liệu hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng, có giá trị nghiên cứu và giáo dục sâu sắc. Đó là hệ thống đồ thờ, hoành phi, câu đối, sắc phong, thần tích. Đặc biệt phải kể tới 30 đạo sắc phong trong số đó phải kể đến là đạo sắc phong có niên đại Đức Long năm thứ 6 (1634) là sắc phong có niên đại sớm nhất còn lưu giữ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh..

Đến thăm di tích đình Hồi Quan, chúng ta có dịp tưởng nhớ về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, trong đó có sự đóng góp sức lực, trí tuệ của nhân dân và những danh tướng địa phương nơi đây. Cùng với giá trị lịch sử, đình Hồi Quan còn nổi bật về kiến trúc nghệ thuật.

Có thể nói, đình Hồi Quan là một trong những công trình nghệ thuật tiêu biểu của vùng Kinh Bắc xưa. Nghệ thuật chạm khắc ở đây toát lên tiếng nói đanh thép của nhân dân lao động chống lại sự khắt khe của chính quyền phong kiến đã đến giai đoạn thối nát và phản động. Đây cũng là sự thể hiện nguyện vọng của nhân dân luôn hướng tới một thể chế chính quyền tiến bộ.

Nguồn: Ban Quản lý Di tích tỉnh.

Những điểm lân cận

Bản đồ