Chùa Vọng Nguyệt

Thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Xã Tam Giang, Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh
hoaigiangdl@gmail.com

Dịch vụ

Mô tả

CHÙA VỌNG NGUYỆT

 

Chùa làng Vọng Nguyệt (tên chữ là Khai Nghiêm tự), thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo tài liệu văn bia địa phương cho biết, chùa Vọng Nguyệt có niên đại thế kỷ XI, do công chúa Lý Nguyệt Sinh hưng công xây dựng với quy mô lớn. Đến năm 1333 thời nhà Trần, do chùa bị hư hại, vị quan Chu Tế người địa phương đã huy động nhân dân xây dựng lại điện Phật, tăng phòng và dựng bia khắc ghi sự kiện. Trải qua gần một nghìn năm cùng với sự thăng trầm của lịch sử và bao thế hệ người Vọng Nguyệt, ngôi chùa vẫn tồn tại uy nghi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ngày 22 tháng 8 năm 2005, chùa được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia, theo Quyết định số 35/QĐ-BVHTT.

Chùa Vọng Nguyệt - Khai Nghiêm nằm trên diện tích gần 4000 m2, hiện chùa gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, cổng Tam quan, lầu cô - lầu cậu, nhà khách, nhà bếp, nhà Tăng - Ni, văn chỉ, nhà bia và lầu quan âm.

 Toà Tam Bảo là công trình kiến trúc gồm 7 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện liên kết với nhau tạo cho di tích có mặt bằng kiến trúc chữ Đinh. Tiền đường có kết cấu kiến trúc bình đầu bít đốc tay ngai, cột trụ cánh phong, bộ khung gỗ chịu lực gồm 8 bộ vì tạo thành 7 gian, bộ vì kết cấu theo kiểu “thượng con chồng giá chiêng, hạ tiền chồng rường kẻ hiên, hậu kẻ ngồi bẩy hiên”. Ngoài một số kẻ tiền chạm khắc vân xoắn còn toàn bộ khung nhà được gia công soi gờ thẳng, bào trơn, đóng bén.

Thượng điện 3 gian, kết cấu bộ vì theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ chồng rường bẩy hiên”. Trong thượng điện được bài trí 5 lớp tượng Phật có niên đại thời Nguyễn.

Bên ngoài tòa Tam bảo, cạnh đầu hồi chùa nhân dân xây dựng một miếu bia. Bên trong miếu đặt tâm bia do Chính nghị đại phu Trương Hán Siêu soạn vào năm Khai Hựu thứ 11 (1339). Nội dung bia đã làm rõ được lịch sử của chùa Khai Nghiêm và vùng đất Yên Phong.

Ngoài ra trong khu di tích còn một số công trình kiến trúc như Nhà Tổ, Nhà Mẫu, cùng hai dãy hành lang. Các công trình mang kiến trúc truyền thống của quê hương. Bên trong nhà Tổ, Nhà mẫu bài trí các pho tượng Tổ, tượng Mẫu. Hầu hết các pho tượng được tạc bằng gỗ mít, kỹ thuật tạc tượng đẹp, cân đối, mang giá trị nghệ thuật, thuộc sản phẩm thời Nguyễn.

Chùa Khai Nghiêm - Vọng Nguyệt là một trong những trung tâm văn hóa, tín ngưỡng thờ Phật của nhân dân Vọng Nguyệt và các tín độ thập phương. Công trình kiến trúc được xác định niên đại rõ ràng vào thế kỷ XI. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ các sư tổ, những người có công xây dựng chùa, thể hiện truyền thống trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương.

Chùa còn lưu được hệ thống hiện vật phong phú có niên đại tạo tác thời Lê - Nguyễn như bia đá, chuông đồng, cây hương, tượng Phật, hoành phi, câu đối…Đặc biệt tấm bia đá được lưu giữ tại chùa có niên đại năm Khai Hựu thứ 11 (1339) do Trương Hán Siêu một danh sỹ thời Trần soạn - đây là tư liệu quý để nghiên cứu về phật học, lịch sử, văn hóa của quê hương.

Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt được xây dựng từ thời cổ xưa với địa thể và phong cảnh đẹp. Chùa có những toà nhà cổ kính được bảo tồn và trùng tu với những pho tượng phật được tạc toàn bằng gỗ quý với kỹ thuật điêu luyện. Đặc biệt nhà chùa còn bảo tồn được tâm bia đá cổ ghi văn bia của nhà Hàn Lâm Học Sỹ Trương Hán Siêu thời triều Trần có giá trị lịch sử quý báu. Chùa Khai Nghiêm - Vọng Nguyệt đã từng trải qua các thời kỳ và tại nơi đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành thắng lợi.

Du khách về làng Vọng Nguyệt không những chiêm bái cảnh đẹp của ngôi chùa mà còn được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sắc của địa phương như bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, cơm chay Đào Xá...nhưng đặc sắc nhất là món gỏi cá chép. Cá dùng để ăn gỏi phải là cá còn sống, chọn cá tầm 400 - 600g là có thể dùng làm gỏi được. Cá được lọc lấy thịt, thái mỏng. Phần xương cá được người thợ băm nhỏ trộn với nhiều gia vị, đem nấu với thịt lợn ba chỉ tạo thành nước chấm rất đặc trưng. Món gỏi cá được ăn kèm với các loại lá có sẵn ở địa phương như: lá lốt, lá măng xông, lá sấu, lá xoài… tạo nên hương vị rất riêng mà không tìm được ở các địa phương khác.

Hướng dẫn viên: Quý khách về tham quan di tích liên hệ đồng chí Đỗ Mạnh Hùng - Cán bộ Văn hóa xã Tam Giang - SĐT: 0335.124. 626 để được nghe giới thiệu về giá trị của di tích.

Nguồn: Ban quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh.

 

 

 

Những điểm lân cận

Bản đồ