Đình làng Đình Bảng một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc

25/11/2019 627 1
Đình Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) từ khi khởi công đến lúc hoàn thành mất 36 năm (1700 - 1736). Là ngôi đình có quy mô bề thế nhất của tỉnh Bắc Ninh.

Tổng diện tích khoảng 750m2, hậu cung và ống muống tạo thành mặt bằng hình chữ “Công” (J), tòa bái đường xây trên nền cao 2 bậc cấp đá xanh bó xung quanh, chiều dài 20m, rộng 14m. Kết cấu bộ khung gỗ bằng gỗ lim rất vững chắc, liên kết với nhau bằng các loại mộng theo kiểu chồng rường “thượng tam hạ tứ”, với ba hàng xà kép: thượng, trung và hạ, chia làm 7 gian chính và 2 gian hành lang. Gian giữa rộng nhất chiều ngang 3m50, gian thứ 1, gian thứ 7 chiều ngang 3m, các gian 2, 3, 5, 6 mỗi gian 2m30; 2 gian hành lang hai bên mỗi gian ngang 1m. Các kết cấu gỗ từ bộ phận to đến bộ phận nhỏ phối hợp với nhau rất chặt chẽ, tương hợp vừa vặn.
Ngôi đình có tới 84 cây cột lớn nhỏ, tòa đại bái 60 cột, nhà ống muống và hậu cung 24 cột (cột lớn đường kính 0m65, cột nhỏ đường kính 0m55. Các chân cột đều được kê bằng đá tảng xanh vững chắc. Chiều cao từ mặt nền lên tới bờ nóc là 8m, bốn mái cong đồ sộ úp xuống, chiếm hơn 2/3 chiều cao tổng thể (khoảng 5.5m/8m), 10 hàng cột hiên tròn thấp, vững vàng đỡ phía dưới. Bốn đầu đao của đình Đình Bảng được xem là cao nhất, vươn xa nhất so với các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam. Chạy dọc bờ nóc, bờ dải gắn gạch hộp rỗng hình rồng và hình hoa thị. Hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm, một bên con rồng, một bên con nghê cuốn nước. Những con sô trên bờ dải cũng như đầu guột ở bốn góc đều thể hiện hình rồng uốn lượn mềm mại, nhìn kỹ thấy mỗi con mỗi dáng vẻ, nhưng nhìn tổng thể rất cân đối về hình khối. Hai đầu đốc mái đắp diềm, vỉ ruồi chạm rồng công phu tỷ mỷ. Nhà chuôi vồ (hậu cung) xây tường nách ô cửa sổ xếp gạch lỗ vuông. Hậu cung có tường hậu, tường hồi để những lỗ thông hơi hình hoa chanh. Ngói mũi hài truyền thống, khổ 0,23x 0,40m. Qua nhiều lần đảo mái nhiều chỗ đã bị xen kẽ các loại ngói khác.
Năm 2000, một đoàn khảo sát của Trung ương về Đình Bảng nghiên cứu và xúc tiến việc trùng tu ngôi đình, cho thay thế 60 cây cột đình. Trong khi thay thế mới phát hiện ra không có một chiếc cột nào có chu vi giống nhau. Nhìn mắt thường có thể phân biệt được sự to nhỏ của một số cây cột lớn, mặc dù vậy không ai có thể nhận ra sự “khập khiễng” trong tổng thể cấu trúc. Năm 2009 công việc trùng tu lại một lần nữa được tiến hành. Thay vì đặt bệ đá trên mặt đất như các cụ xây dựng ngày xưa, đội thi công đã đổ bê tông phía dưới phần nền, sau đó kê bệ đá làm chỗ kê cho 84 cây cột. Sau khi dựng cột lên mọi người mới sửng sốt nhận ra chẳng có chiếc cột nào có chiều cao bằng nhau cho dù vị trí giống nhau. Khi ấy mới thấy rằng cách làm của người xưa chỗ nào đất lún thì đóng sâu, chỗ nào đất chắc thì để nông. Qua những lần trùng tu, rất may mắn, phần nghệ thuật chạm khắc vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn.
Đình Đình Bảng có nhiều mảng điêu khắc trang trí tỉ mỉ, trau chuốt. Tuy nghệ thuật chạm kênh bong nhiều lớp lang và phức tạp của thế kỷ XVII đã ít dần, thay vào đó là những kỹ thuật đục chạm nuột nà, khéo léo của thế kỷ XVIII. Riêng bức cửa võng đã là một tác phẩm đặc sắc với các mô típ chạm khắc tứ linh: Long, ly, quy, phượng phủ kín đan xen trên một diện rộng. Bức cửa võng được chia thành bẩy lớp và chín ô theo kiểu lồng hộp kết hợp chạm lộng với chạm nổi rất kỹ lưỡng chau chuốt. Đề án trang trí là các hoa văn triện rút, hoa lá và các vật linh long, ly, quy, phượng; Tùng, cúc, trúc, mai. Hoa văn trang trí mềm dẻo trong từng chi tiết. Theo các nhà nghiên cứu thì bức cửa võng đình Đình Bảng mang phong cách nghệ thuật chạm khắc đầu thế kỷ XIX, không đồng niên đại với năm dựng đình. Điều này có thể suy đoán được hệ thống cửa võng được gắn vào kiến trúc đình sau khi xây dựng và hoàn thiện các công trình cơ bản.
Về trang trí trên kiến trúc đình Đình Bảng cho thấy: Trên đầu bẩy phía trước chạm tám đầu rồng, nghê đỡ mái là những tác phẩm điêu khắc hết sức công phu, tỷ mỷ. Cánh cửa phía trước ngôi đình chạm hình Bát mã quần phi (tám ngựa đang phi), phong cách tạo hình khỏe khoắn, tính khái quát cao, thân hình cân đối. Hai bên bậc bước lên sàn đình có lan can thấp, cột vuông soi gờ triện rút, hoặc hình quạt. Bức chạm “sư tử hý cầu” và bức chạm con hươu đứng dưới gốc cây thông có phong cách đục chạm mạnh mẽ, phóng khoáng, không tả kỹ. Mấy chục tấm ván gió, ván nong giữa các xà kép chạy dọc và chạy ngang trong đình đều được chạm nổi thành ba vòng hoa quấn quanh lòng đình. Những ván giữa xà trung, xà thượng, ván nào cũng chạm nổi một đôi rồng chầu theo chiều dài của tấm ván.
Phải có tới hàng trăm hình tượng rồng lớn nhỏ. Rồng thường được chạm có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh, mắt lồi tròn, mũi thú, miệng há rộng, môi dầy, hướng nhìn ngang hoặc quay 2/3 ra ngoài. Sống lưng có đường vây, bụng có vằn, tay rồng hơi giống tay người, hình mây nét mác vây quanh thân rồng. Hình tượng tại mỗi bức ván một kiểu, nét chạm tỷ mỷ sắc cạnh, nhịp điệu uyển chuyển, thân mình nhỏ nhắn, mềm dẻo. Mỗi chiếc đầu dư là một chiếc đầu rồng chạm lộng kỳ khu, hai chân rồng bắt vào thân cột, thân rồng luồn qua cột phần đuôi ở phía bên kia cột, làm cho người ta không còn cảm giác nặng nề của mỗi chiếc đầu dư. Cả thảy có 12 chiếc đầu dư của 12 cây cột cái trong năm gian chính của tòa đại đình đều được chạm khắc công phu, mềm mại. Trên hai chiếc đầu dư xà hạ còn có tượng hai con nghê trong tư thế ngồi xổm, hai chân trước chống thẳng, tư thế uy nghiêm, dáng rất sinh động. Các ván lá gió, các bức cốn đều được chạm khắc tinh tế, hình tượng rồng trên các bức cốn là các ổ rồng, rồng mẹ quấn quýt rồng con. Có một số bức được đặt tên chẳng hạn như: “Long vân đại hội”; “Ngũ long tranh châu”; “Lục long ngự thiện”…

Cùng với những hình tượng rồng còn có những hình tượng chim phượng, hình voi, long mã, hình tượng Bát Tiên… Ba bức chạm phượng thể hiện mỗi con một tư thế, con phía tây ngậm cánh hoa mào dài, hai cánh cong mềm dẻo, đuôi xòe tha thướt chiếm gần kín bức ván. Trên vì kèo gian giữa phía sau cửa võng chạm hai con phượng múa, cánh phượng mở rộng, lông được tỉa tỷ mỷ xếp thành hàng lớp đều đặn. Bố cục các bức chạm này đều là các tác phẩm hoàn chỉnh.
Các mô típ chạm khắc, trang trí trong kiến trúc đình Đình Bảng cho thấy đình làng Bắc Ninh đã thể hiện rõ nét nền nghệ thuật dân gian tiêu biểu được hình thành từ nền nghệ thuật dân gian thế kỷ XVII, để rồi chúng có những bước chuyển biến mới mẻ ở thế kỷ XVIII. Đó là sự thể hiện tính dân chủ trong đời sống xã hội ở làng xã thông qua cách biểu đạt của người nghệ nhân chạm khắc trang trí đình làng. Từ nội dung đề tài được phản ánh trong điêu khắc đình làng ở Bắc Ninh là những cảnh sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân lao động, tập trung vào những ngày lễ hội. Bởi vì “Xứ Bắc là nơi vượt trội về hội hè đình đám” và sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Mùa xuân đến thì làng nào cũng mở hội, mà mỗi hội làng lại có hình thức thể hiện riêng về tục lệ của người dân sở tại. Đó là các trò chơi ở hội như ca múa nhạc, rước rồng, đánh vật, đấu kiếm… Đó cũng là các đề tài thường được chạm khắc trang trí trên phù điêu đình làng ở Bắc Ninh.

Đỗ Hữu Bảng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu