Đưa câu chuyện văn hóa Bắc Ninh vào sản phẩm quà tặng du lịch

188 0

Bắc Ninh vốn là tổ đình của Phật giáo, cũng là trung tâm Nho học đầu tiên của cả nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc với những danh lam cổ tự, công trình kiến trúc nghệ thuật, các tài liệu, hiện vật, bảo vật rất có giá trị.

Được xem như “sứ giả” du lịch, sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch cùng lúc có hai chức năng, vừa quảng bá di sản, lan tỏa hình ảnh điểm đến, vừa kích thích chi tiêu, phát triển kinh tế du lịch. Các loại tranh ảnh, mô hình, biểu tượng, đồ trang trí, túi xách, hộp quà, ô nón, áo mũ, móc khóa... đều là đồ vật được sử dụng làm quà biếu, tặng và bán cho du khách như một sản phẩm lưu giữ kỷ niệm về điểm đến. Mỗi sản phẩm biểu đạt thông điệp, dấu ấn liên quan đến lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, biểu tượng, tín ngưỡng tâm linh, phản ánh phong cách sinh hoạt, cảnh quan thiên nhiên của một địa danh, vùng đất.

Có ý nghĩa cả về kinh tế và văn hóa tinh thần, sản phẩm quà tặng du lịch là một trong những yếu tố quan trọng thu hút du khách, tạo việc làm cho người dân, góp phần không nhỏ vào tổng doanh thu du lịch. Song thực tế thị trường quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch ở Bắc Ninh còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Đa phần người sản xuất và kinh doanh sản phẩm quà tặng lưu niệm chưa hiểu hết giá trị đích thực của sản phẩm, chưa sáng tạo trong việc thiết kế sản xuất, mở rộng tìm kiếm, phát triển những quà tặng mang bản sắc văn hóa địa phương. Khảo sát tại một số điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông du khách như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Đền Đô... vẫn thấy bày bán các đồ lưu niệm chẳng liên quan đến mảnh đất, con người quê hương, thậm chí cũng không được sản xuất tại Việt Nam.

Khách quốc tế mua đồ lưu niệm tại Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành)

Hệ thống di tích, di vật độc đáo với 1.589 di tích (trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích quốc gia, 457 di tích cấp tỉnh) và 18 bảo vật quốc gia gắn liền với những giai thoại, truyện kể, sự tích... chính là đề tài, chất liệu khơi nguồn cảm hứng thiết kế, sáng tạo ra nhiều mặt hàng quà tặng lưu niệm du lịch đặc trưng.

Bắc Ninh còn là nơi hình thành và lưu giữ nhiều làng nghề thủ công truyền thống đặc sắc có bề dày lịch sử hàng trăm năm, hội tụ phong phú di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương như: Tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, gỗ mỹ nghệ Phù Khê, mây tre đan Xuân Lai, Xuân Hội... Đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực, theo thống kê chưa đầy đủ, Bắc Ninh có khoảng 1.000 món ăn đặc sản, 39 loại bánh, 25 loại xôi chè, 12 loại đồ uống cùng nhiều phương thức chế biến ẩm thực như cỗ cưới, cỗ khao, cỗ Tết, cỗ ngày hội, cơm Quan họ... Mỗi món ăn, mỗi phương cách chế biến đều kết tinh dấu ấn lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của quê hương, vừa minh chứng cho nét đẹp tinh tế trong bày biện, chế biến món ăn, vừa cho thấy sự lịch thiệp, hào hoa văn hóa giao tiếp ứng xử trọng tình, hiếu khách của người Kinh Bắc.

Hàng năm, Bắc Ninh thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trảy hội, trải nghiệm, tìm hiểu, học tập. Năm 2023, Bắc Ninh đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến Bắc Ninh đạt khoảng 1.560.000 lượt khách, tăng 54% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch đạt 1.070 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 559 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó có 19 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế cấp giấy phép, 21 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 2 đại lý lữ hành; có 500 cơ sở lưu trú với gần 8.200 phòng nghỉ (trong đó 4 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 3 khách sạn 2 sao).

Trầu têm cánh phượng, nón quai thao, ô lục soạn... gợi mở cảm xúc sáng tạo để thiết kế những mẫu sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch mang bản sắc Bắc Ninh

Như vậy, Bắc Ninh không những dồi dào chất liệu và tiềm năng để phát triển sản xuất, mà còn có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch. Theo các chuyên gia, muốn có những sản phẩm quà tặng du lịch mang hàm lượng văn hóa cao, chạm vào cảm xúc du khách, lưu giữ kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc về Bắc Ninh cần có sự phối hợp công tư hiệu quả.

Trong bối cảnh mở rộng liên kết phát triển du lịch hiện nay, việc xây dựng những câu chuyện văn hóa cho các sản phẩm quà tặng du lịch, đưa giá trị lịch sử, văn hóa của Bắc Ninh lên các sản phẩm lưu niệm cần được quan tâm đầu tư đúng mức nhằm tạo sự khác biệt, tăng tính cạnh tranh. Ngay từ khâu sáng tạo ý tưởng, thiết kế mẫu mã, kể những câu chuyện liên quan đến vùng đất, con người, tính độc đáo, thú vị về chất liệu, nơi sản xuất, tài năng và phẩm cách của nghệ nhân, người thợ... đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kênh phân phối, tiếp thị, giới thiệu, quảng bá... tất cả đều cần phối hợp chuyên nghiệp, bài bản giữa các tổ chức, cá nhân cùng sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó, nhất định phải có sự hỗ trợ thông thoáng về cơ chế chính sách từ phía nhà nước, sự liên kết giữa các nghệ nhân làng nghề với chuyên gia văn hóa, mỹ thuật, du lịch và các doanh nghiệp du lịch nhằm tạo ra những mẫu mã sản phẩm quà tặng lưu niệm vừa độc đáo mang bản sắc địa phương, vừa phù hợp với tâm lý du khách, kích thích nhu cầu chi tiêu mua sắm, đồng thời khắc sâu hình ảnh điểm đến Bắc Ninh trong tâm trí, tiềm thức khách du lịch.

Baobacninh

Bản đồ

Lịch trình mẫu